Những vị trí quan trọng trong ekip làm phim

Để sản xuất ra được một thước phim, một TVC, hay đơn giản chỉ là một clip ngắn đều phải trải qua rất nhiều công đoạn. Điều đó đòi hỏi phải có sự liên kết, hỗ trợ lẫn nhau của nhiều bộ phận để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh. Trong mọi ekip làm phim, dù là lớn hay nhỏ thì cũng không thể thiếu những vai trò trọng yếu như sau:

  1. 1. BIÊN KỊCH (script writer)

Đây là người sáng tạo ra ý tưởng, viết kịch bản chi tiết bao gồm: nội dung, lời thoại, lời bình, diễn biến tình tiết… Biên kịch có thể tạo nên kịch bản theo sự sáng tạo ngẫu nhiên hoặc lấy ý tưởng từ các sự việc trong cuộc sống để tạo nên một kịch bản thú vị, hấp dẫn.

Kịch bản chính là yếu tố cần thiết và quan trọng nhất để tạo nên một tác phẩm hay.

  1. 2. CHỊU TRÁCH NHIỆM SẢN XUẤT (Producer)

Producer là người đứng đầu để điều phối các hoạt động của cả ekip làm phim. Nhà sản xuất trực tiếp làm việc với đạo diễn và các bộ phận trong quá trình làm phim, từ tiền kỳ cho đến sản xuất và hậu kỳ.
Producer chịu trách nhiệm liên kết, giám sát và điều khiển các bộ phận trong ekip. Nhà sản xuất còn tạo mọi điều kiện để đáp ứng theo yêu cầu của đạo diễn. Các vấn đề về kế hoạch sản xuất, lịch trình, tài chính, thuê máy móc thiết bị, nhân sự,... đều thuộc trách nhiệm của vị trí này.

  1. 3. ĐẠO DIỄN (Director)

Đạo diễn luôn là vị trí quan trọng trong đoàn làm phim. Đây chính là người chịu trách nhiệm về chất lượng của bộ phim. Đạo diễn có nhiệm vụ chỉ đạo diễn xuất, các vai trò khác trong đoàn làm phim chỉ được phép góp ý tế nhị nếu thấy thật sự cần thiết.

Trong thời gian hậu kỳ, đạo diễn kết hợp cùng với editor dựng phim, tính toán thời gian và nội dung của âm thanh, tiếng động,… sao cho hợp lí, bắt tai và bắt mắt nhất.

Cũng có nhiều đạo diễn kiêm luôn vai trò biên kịch và sản xuất tuy nhiên cũng khiến cho khối lượng công việc trở nên nặng nề.

4. QUAY PHIM (Camera Operator)

Quay phim là người trực tiếp điều khiển máy quay theo hướng dẫn của đạo diễn hình ảnh (DOP) hoặc đạo diễn. Đôi khi quay phim đảm đương luôn vị trí đạo diễn hình ảnh nếu bộ phim không có kinh phí cao.

Nếu kiêm luôn vị trí DOP thì quay phim sẽ phải thảo luận trước với đạo diễn về ý tưởng các cảnh quay, ánh sáng và khung hình. Sau khi thống nhất về cú máy, góc quay… người quay phim sẽ điều chỉnh các tham số kỹ thuật trên các thiết bị để phù hợp về yêu cầu hình ảnh.

Giữa đạo diễn và quay phim luôn phải trao đổi rõ ràng để tránh bất hòa, xung đột trên trường quay. Chính vì thế, đạo diễn thường hợp tác với những người quay phim thân quen và hiểu ý họ nhất.

  1. 5. TRỢ LÝ ĐẠO DIỄN (Assistant Director/AD)

Trợ lý đạo diễn là người luôn sát cánh cùng đạo diễn để trợ giúp cũng như đôn đốc tiến độ làm việc của đoàn.

Trợ lý đạo diễn đóng vai trò như một “người đưa tin” giữa các vị trí trong đoàn làm phim, thông báo lịch quay, lịch nghỉ ngơi tới các bộ phận, công việc của họ và dẫn dắt diễn viên vào đúng vị trí. 

Trợ lý đạo diễn phải đảm bảo tiến độ của phim nên đôi khi có quyền yêu cầu đạo diễn cắt bỏ một số cảnh quay không cần thiết. Trong một vài trường hợp, trợ lý được sự cho phép của đạo diễn có thể chỉ đạo diễn xuất một vài cảnh nhỏ.

  1. 6. THƯ KÝ TRƯỜNG QUAY (Script Supervisor)

Thư ký trường quay là người luôn đứng cạnh đạo diễn và quay phim để ghi chép các tham số kỹ thuật (âm thanh, ống kính, tiêu cự, độ dài,…), các vị trí, số cảnh quay và take nào đạo diễn bằng lòng nhất. Những ghi chép đó sẽ được editor sử dụng trong quá trình dựng phim sau này. 


Thư ký trường quay còn phải theo dõi và ghi nhớ các cảnh quay, đạo cụ… để đảm bảo mọi sắp xếp đúng thứ tự, vị trí đặc trưng khi quay từ cảnh này sang cảnh khác.

 7. BIÊN TẬP VIÊN (Editor)

Người dựng phim là người tổng hợp các cảnh quay được chuyển về từ phim trường sau khi đoàn đóng máy. Editor dựa trên bản ghi chép của thư ký trường quay và dựa trên tham số để đặt lại tên các file hình. Dựa trên các sắp xếp theo thứ tự đó, editor sẽ lắp ráp, cắt ghép các phân cảnh vào với nhau và chèn hiệu ứng theo ý đồ của đạo diễn.

Đôi khi người dựng phim có thể tạo nên cho tác phẩm một diện mạo hoàn toàn mới mới, cứu cho đạo diễn một bàn thua trông thấy nếu có những cảnh quay không như ý.

Ngoài ra trong một đoàn làm phim còn có các vị trí khác như: Diễn viên, thu thanh hiện trường, hậu cần, thiết kế dựng cảnh, phụ trách ánh sáng, âm nhạc, tiếng động, quản lý đạo cụ,…

Trong một ekip làm phim chuyên nghiệp đều phải có tất cả những vị trí trên, mỗi người sẽ đảm nhận một nhiệm vụ khác nhau, cùng nhau tạo nên tác phẩm hoàn chỉnh. 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Hướng dẫn làm Animation trong Unity

Giới thiệu Việt Producer

TVC quảng cáo sản phẩm Xương khớp Nibifa